Nhu cầu về nhiên liệu dầu khí trong nước thì rất lớn nhưng trình độ, năng lực và quy mô sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên vẫn còn phải nhập khẩu nhiều. Do vậy, có thể nói Dầu khí là ngành hiện vẫn có nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam.
Những nội dung chủ yếu của phân tích ngành và áp dụng cụ thể với chứng khoán Việt NamBài tập thực hành 2: Phân tích chuyển động ngành trong thị trường chứng khoán - Trường Money
Đặc tính ngành chứng khoán trong thị trường chứng khoán
Nhóm dầu khí được chia thành các nhóm sau: Thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.
1.Thượng nguồn:
Thượng nguồn là khu vực đầu tiên trong chuỗi giá trị ngành dầu khí, ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thô và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của cả ngành Dầu khí. Khu vực thượng nguồn bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác và các hoạt động cung cấp dịch vụ khoan, xây dựng công trình, phục vụ hoạt động khai thác dầu thô.
Đơn vị khai thác dầu thô yêu cầu vốn đầu tư lớn, tại Việt Nam thường các các tổ chức liên doanh, liên kết giữa PVN và đối tác nước ngoài (không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán). Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác là các doanh nghiệp nội địa, bao gồm PVD – cung cấp giàn khoan, PVS – cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, PVB – dịch vụ bọc ống.
Nhóm doanh nghiệp khu vực thượng nguồn có đặc điểm chung là hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào biến động giá dầu thô. Cụ thể:
• Doanh nghiệp khai thác: Là doanh nghiệp trực tiếp hút dầu thô để xuất bán, thông thường, giá dầu thô cao mới thôi thúc khâu khai thác. Tùy thuộc vào vị trí địa lý khai thác dầu thô và công nghệ, mỗi quốc gia sẽ có một mức giá hòa vốn dầu thô khác nhau. Giá dầu thô trên điểm hòa vốn thì mới có thể thúc đầy khai thác sôi động, bởi lúc này doanh nghiệp khai thác mới có lời. Ngược lại, giá dầu thô thấp hơn mức này, các dự án thăm dò cũng như khai thác sẽ bị cắt giảm, trì hoãn và kéo giãn bởi không doanh nghiệp nào muốn “càng làm càng lỗ”. Ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, điểm hòa vốn khai thác dầu thô rơi vào khoảng 45-55 USD/thùng. Do vậy, khi giá dầu thô cao trên mức này, nhóm doanh nghiệp khai thác sẽ hoạt động nhộn nhịp.
• Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác: Là nhóm doanh nghiệp phụ trợ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu thô, khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ cung cấp cũng gắn liền với giá dầu thô. Giá dầu thô tăng cao thúc đẩy đầu tư, gia tăng hoạt động thăm dò và khai thác. Nhờ đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ dầu khí tăng cao, khối lượng công việc cũng như đơn giá dịch vụ cung cấp được cải thiện. Trường hợp ngược lại đối với giá dầu thô giảm, kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có độ trễ với giá dầu thô bởi giá dầu thô giảm thì doanh nghiệp vẫn thực hiện công việc theo hợp đồng đã ký kết. Chỉ khi bắt đầu hợp đồng mới, khối lượng công việc giảm sút và đơn giá dịch vụ được xác định lại sẽ phản ánh tiêu cực vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
2.Trung nguồn:
Nhiệm vụ các công ty trung nguồn bao gồm lưu trữ và vận chuyển dầu thô (khí) khai thác ở ngoài khơi vào đất liền. Đối với dầu thô, chỉ có một đại diện vận chuyển dầu thô khu vực trung nguồn là PVT thông qua các tàu chở dầu. Với mảng khí, GAS vừa đóng vai trò vận chuyển khí qua các đường ống về đất liền, vừa làm vai trò phân phối (hạ nguồn).
Do hoạt động kinh doanh chủ yếu là lưu trữ và vận chuyển dầu thô khai thác trong nước. Do đó, khối lượng công việc khu vực trung nguồn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động khai thác dầu thô ở thượng nguồn. Từ năm 2015, sản lượng dầu thô khai thác đã bắt đầu ghi nhận sụt giảm dần do các mỏ khai thác chủ lực đang ở cuối giai đoạn khai thác, trong đó có mỏ Bạch Hổ đóng góp 60% tổng sản lượng đang trên đà sụt giảm mạnh. Theo PVN dự báo, đến năm 2025, sản lượng dầu thô khai thác sẽ giảm khoảng 10%/năm do các mỏ khai thác mới chủ yếu có trữ lượng nhỏ, không bù đắp được sản lượng sụt giảm.
PVT có lợi thế là đơn vị duy nhất tại Việt Nam vận chuyển dầu thô khai thác trong nước. PVT cung cấp vận chuyển cho 02 nhà máy lọc dầu tại Việt Nam là công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đối với phần dầu thô trong nước (khoảng 80% tổng sản lượng) và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) với khoảng 25% tổng sản lượng.
Trong xu hướng tăng giá của giá dầu thô, đa số doanh nghiệp ngành dầu khí đều được hưởng lợi nhưng không phải tất cả. Khu vực thượng nguồn Dầu khí (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ) được hưởng lợi trực tiếp và tích cực thì ở khu vực trung nguồn, các hoạt động vận chuyển dầu thô lại gặp nhiều thách thức hơn, ở cả vấn đề suy giảm sản lượng dầu thô vận tải và rủi ro giá nhiên liệu tăng theo giá dầu.
3.Hạ nguồn
a. Lọc hóa dầu:
Lọc hóa dầu là nhóm đầu tiên của khu vực hạ nguồn dầu khí. Chức năng của các công ty lọc hóa dầu là chế biến dầu thô thành xăng, dầu thành phẩm (các sản phẩm bày bán ở các cây xăng).
Tại Việt Nam có 02 đơn vị lọc hóa dầu, bao gồm công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR) và công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn (chưa niêm yết) cung cấp khoảng 70-80% nhu cầu xăng dầu nội địa. Với vai trò nhập dầu thô về chế biến thành phẩm, kết quả kinh doanh nhóm lọc dầu phụ thuộc rất lớn vào biến động giá dầu thô và crack spread (chênh lệch giá bán xăng dầu thành phẩm và giá dầu thô).
Doanh nghiệp lọc dầu cực kì nhạy cảm với biến động giá dầu thô. Trong các giai đoạn giá dầu thô biến động mạnh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lọc dầu cũng ghi nhận sự biến động mạnh tương ứng. Với vai trò sản xuất, phải nhập dầu thô về trữ để sản xuất, giá dầu thô tăng sẽ có lợi với nhóm lọc dầu, và ngược lại, giá dầu thô giảm sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh.
b. Phân phối:
Khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị ngành dầu khí là hạ nguồn phân phối. Tại đây, từ dầu thô và khí khai thác ngoài khơi đã qua chế biến thành xăng dầu, khí thành phẩm và đã sẵn sàng phân phối tới khách hàng. Ở khu vực hạ nguồn, có 02 mảng nhỏ bao gồm phân phối xăng dầu thành phẩm (PLX, OIL, TLP) và phân phối khí (GAS).
Ở mỗi phân khúc, mô hình hoạt động khác nhau, sự ảnh hưởng của giá dầu đến kết quả kinh doanh cũng khác nhau tương ứng.
Đặc điểm của phân phối xăng dầu đó là doanh nghiệp chỉ làm vai trò thương mại, kinh doanh. Doanh nghiệp phân phối thu mua xăng dầu trong nước từ BSR, NSR và nhập khẩu, sau đó phân phối đến người tiêu dùng. Tác động của giá dầu thô lên nhóm doanh nghiệp phân phối xăng dầu thành phẩm sẽ thông qua tác động của tồn kho. Doanh nghiệp phải duy trì tồn kho 30 ngày, do vậy, giá dầu thô tăng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp phân phối.
Ở Việt Nam, chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối khí là GAS. GAS vừa tham gia vào khâu chế biến, vừa phân phối khí đến khách hàng. Giá bán khí khô nội địa được tính theo công thức 46% MFO, áp dụng giá sàn là giá miệng giếng (giá mua tại mỏ khí). Ước tính ở mức giá 50-55 USD/thùng, giá thị trường sẽ cao hơn giá miệng giếng và GAS bắt đầu thu được phần chênh lệch giá thị trường và giá miệng giếng.
4.Tình hình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí:
Năm 2021, tổng sản lượng khai thác dầu khí trong nước ước tính giảm 12,7% so với cùng kỳ xuống 18,4 triệu tấn. Nhìn xa hơn, sản lượng khai thác dầu trong nước liên tục sụt giảm với tốc độ kép là 10,8% kể từ năm 2015. Nguyên nhân chính có thể là do không có dự án khai thác dầu khí lớn nào trong những năm gần đây. Trong khi đó, hầu hết các mỏ hiện hữu tại Việt Nam đã ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, với sản lượng suy giảm tự nhiên 15-25% mỗi năm.
Hiện tại, Việt Nam còn khoảng 50% trữ lượng dầu khí chưa được khai thác, trong đó trữ lượng khí chiếm khoảng 60-70%. Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng Lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, sản lượng khai thác khí dự kiến sẽ vượt sản lượng dầu thô trong giai đoạn 2021-25 với mức sản lượng trung bình là 11,1 tỷ m3/năm. Do đó, các dự án phát triển mỏ khí sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn tới. Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ trăng trưởng hằng năm kép là 8,1% trong giai đoạn 2021-2030, vì vậy sự cấp thiết trong việc triển khai các dự án mỏ khí lớn như Lô B – Ô Môn, Nam Du – U Minh trong năm 2022, đặc biệt khi quyền tự chủ nguồn cung khí là vô cùng quan trọng sau cuộc khủng hoảng khí tự nhiên gần đây trên phạm vi toàn cầu.
Trong năm 2021 Ngành dầu khí đặt khai thác 9,72 triệu tấn dầu thô, trong đó khai thác trong nước là 7,99 triệu tấn, khai thác nước ngoài là 1,73 triệu tấn.
Đối với dự án Lô B- Ô Môn, khâu hạ nguồn sử dụng khí tiếp tục là trở ngại nhưng có vẻ dự án cũng đang từng bước được tháo gỡ khi nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 (một trong 4 nhà máy) đang được EVN và các bộ ngành phối hợp xem xét giải quyết về cơ chế tài chính nguồn vốn cho dự án.
Một số dự án đầu tư khai thác khí khác vẫn đang bị chậm tiến độ như Nam Du- U Minh, trong khi dự án Cá Voi Xanh cũng chưa có thêm thông tin mới về tiến trình thực hiện, hy vọng giá dầu ở mức cao sẽ góp thêm động lực thúc đẩy tiến độ phê duyệt, thực hiện dự án nhanh hơn.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, được khởi công xây dựng từ đầu 2018 và dự kiến đi vào hoạt động từ 2023. Dự án có công suất 998.000 tấn ethylene, 420.000 tấn Propylene, 113.000 tấn Butadiene, 483.000 tấn PP, 525.000 tấn HDPE, 525.000 tấn LDPE mỗi 1 năm, khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa dầu trong nước phát triển, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp nhựa.
5. Tiềm năng tăng trưởng trong tương lai
Triển vọng sáng sủa với các dự án khí nhập khẩu (LNG). Cùng với kỳ vọng vào sự phát triển các mỏ khí lớn, việc nhập khẩu LNG là biện pháp khả thi để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng nhanh chóng tại các mỏ khí hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở Việt Nam. Sản xuất điện hiện đang tiêu thụ ~80% tổng sản lượng khí tại Việt Nam.
Theo Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng LNG cho cả nhập khẩu và tiêu thụ, biến các nhà máy điện khí thành nguồn cung cấp điện quan trọng cho đến năm 2030 (chiếm 23% tổng công suất hệ thống năm 2030 từ mức 12% hiện tại). Theo số liệu thống kê cho thấy các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đang được xin chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2020-2030 lên đến 47.650 MW.
Nhìn chung, tiềm năng của lĩnh vực LNG là rất lớn nhờ sự ổn định trong quy trình sản xuất điện và khả năng gia tăng công suất thông qua nhập khẩu. GAS và PVS có thể sẽ là người hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng phát triển LNG. GAS có lợi thế là công ty đầu tiên tham gia vào thị trường LNG với mẻ LNG nhập khẩu đầu tiên ước tính vào Q4/2022, trong khi PVS có thể hưởng lợi từ khối lượng công việc lớn tiềm năng với các dự án khu phức hợp LNG mới trong dài hạn (hiện PVS là nhà thầu liên doanh cho LNG Thị Vải với Samsung E&C).
6. Các dự án tiêu biểu:
- PVGAS tiếp tục tập trung nguồn lực cho dự án cụm kho cảng LNG Thị Vải với công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm để cung cấp khí cho dự án điện Nhơn Trạch 3&4. Dự kiến hoàn thành vào quý 3.2022
- Dự án LNG Sơn Mỹ với tổng công suất giai đoạn 1 là 3.6 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư khoảng 1.3 tỷ usd cũng đang được tập trung thực hiện các hồ sơ pháp lý để sớm triển khai đầu tư xây dựng. Các dự án điện khí khác cũng đang được xem xét đầu tư như Điện khí LNG Long An, Điện khí LNG Hải Phòng, Điện khí LNG Quảng Ninh (PVPOWER)
Đối với lĩnh vực vận tải dầu khí, nhu cầu vận chuyển dầu thô có khả năng tăng nhờ được bảo đảm bởi sự gia tăng nhu cầu dầu thô, mà theo EIA dự báo sẽ vượt qua mức trước Covid-19 vào Q3/22. Kỳ vọng các nhà sản xuất dầu thế giới sẽ nâng sản lượng khai thác dầu thô và từ đó tác động đến thị trường vận tải dầu khí trong năm 2022, có khả năng giúp thúc đẩy giá cước vận tải cao hơn. Theo dự báo của Clarksons, cán cân cung – cầu trên thị trường tàu chở dầu thô có thể tích cực hơn trong năm 2022 so với sự ảm đạm trong năm 2021. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vận tải biển trong nước, xu hướng đầu tư LNG có khả năng mở ra một hướng kinh doanh mới trong dài hạn và PVT có thể chiếm lĩnh thị trường nếu tham gia vào phân khúc này nhờ vị thế dẫn đầu doanh nghiệp.
7. Rủi ro của ngành:
Những rủi ro chính đối với ngành dầu khí Việt Nam bao gồm:
- Giá dầu thấp hơn dự kiến do việc giá dầu giảm sẽ cản trở sự phục hồi nền tảng cơ bản của ngành.
- Các dự án lớn tiếp tục bị trì hoãn do vấn đề thiếu nguồn lực tài chính có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong những năm tới.
Lưu ý: các thông tin trên đây nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư và được tổng hợp từ các nguồn thông tin tin cậy. Tuy nhiên chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc sử dụng thông tin trên cho mục đích mua bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Nguồn Học viện cổ phiếu TruongMoney
Miễn trừ trách nhiệm (Disclaimer): Thông tin trong bài viết chỉ mục đích chia sẻ thông tin và quan điểm cá nhân của tác giả. Đây không phải là lời khuyên đầu tư từ Hocchungkhoan.vn. Hoạt động đầu tư luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính, Tiền của bạn ko phải của mình nên hãy có trách nhiệm tìm hiểu kỹ trước khi đầu tưVÒNG ĐỜI CỦA NGÀNH
PHÂN TÍCH NGÀNH