Trái phiếu là gì? Tổng hợp kiến thức về trái phiếu cho người mới
Thuật ngữ trái phiếu chắc hẳn không còn xa lạ gì với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây là một khái niệm quan trọng mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng cần nắm được. Đầu tư trái phiếu được nhận định là một kênh đầu tư có tính an toàn và mức độ ổn định cao so với đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về khái niệm trái phiếu là gì cũng như thị trường trái phiếu để áp dụng vào đầu tư sao cho hiệu quả. Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trái phiếu là gì, thị trường trái phiếu là gì, các loại trái phiếu hiện nay, đặc điểm của trái phiếu, điều kiện phát hành trái phiếu cũng như những lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu.
Tìm hiểu về trái phiếu
Để hiểu về trái phiếu chúng ta sẽ cùng điểm qua lần lượt về khái niệm trái phiếu là gì, trái phiếu tiếng Anh là gì, thị trường trái phiếu là gì, đặc điểm của trái phiếu, lãi suất trái phiếu cũng như lợi suất trái phiếu được chia sẻ cụ thể ngay sau đây.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu tiếng Anh là Bond, trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ của nhà phát hành cho người nắm giữ trái phiếu với một khoản tiền cụ thể. Khoản tiền này phải được thanh toán trong một khoảng thời gian được xác định, với một mức lợi tức theo như quy định. Nhà phát hành trái phiếu có thể là một doanh nghiệp hay một tổ chức chính quyền như: chính quyền và kho bạc Nhà nước.
Thị trường trái phiếu là gì?
Thị trường trái phiếu trong tiếng Anh gọi là Bond Markets, còn gọi là thị trường nợ, thị trường tín dụng, là thị trường giao dịch mua bán hàng hóa là các loại trái phiếu.
Nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu sẽ được đảm bảo về lãi suất cũng như tiền vốn khi trái phiếu đáo hạn. Còn đối với nhà phát hành trái phiếu trên thị trường trái phiếu sẽ dễ dàng huy động được dòng tiền để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Đặc điểm của trái phiếu
Dưới đây là những đặc điểm của trái phiếu được cho là nổi bật nhất:
-
Trái phiếu có thể được mua bởi bất cứ cá nhân, doanh nghiệp hay chính phủ. Trên trái phiếu có thể ghi tên người mua được gọi là trái phiếu ghi danh, hoặc không ghi tên người mua được gọi là trái phiếu vô danh.
-
Người mua trái phiếu của nhà phát hành sẽ được gọi là trái chủ. Trái chủ sẽ không có trách nhiệm với hiệu quả sử dụng số vốn vay của nhà phát hành. Nghĩa vụ của nhà phát hành là thanh toán cho trái chủ số nợ theo đúng cam kết trong hợp đồng vay.
-
Nhà phát hành trái phiếu có thể là một doanh nghiệp thì được gọi là trái phiếu doanh nghiệp, hoặc chính phủ thì được gọi là trái phiếu chính phủ, hay kho bạc nhà nước thì được gọi là trái phiếu kho bạc.
-
Trái phiếu đem lại cho người sở hữu nguồn thu là số tiền lãi cố định theo kỳ và không phụ thuộc bởi hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà phát hành.
-
Trái phiếu thực chất là chứng khoán nợ. Trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể thì trước hết cổ phần của công ty sẽ phải thanh toán cho người nắm giữ trái phiếu trước sau đó mới chia đến các cổ đông. Đây được coi như nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp hay tổ chức phát hành.
Lãi suất trái phiếu là gì?
Lãi suất trái phiếu hay lãi suất danh nghĩa, là loại lãi suất được ghi trên trái phiếu hoặc được công bố bởi nhà phát hành. Lãi suất trái phiếu được xác định dựa theo một tỷ lệ phần trăm nhất định theo mệnh giá trái phiếu. Đặc biệt, lãi suất trái phiếu được coi như căn cứ nhằm xác định lợi tức trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu là gì?
Lợi suất trái phiếu là khái niệm chỉ tổng lợi nhuận mà các nhà đầu tư được nhận lại từ nhà phát hành. Lợi suất trái phiếu được phân thành nhiều loại, trong đó lợi suất danh nghĩa chỉ phần lãi được chia cho mệnh giá trái phiếu, còn lợi suất thực chỉ thu nhập hàng năm chia theo giá thị trường hiện tại của nó mà người sở hữu trái phiếu được nhận. Ngoài ra còn có lợi suất yêu cầu là mức lợi suất được cung cấp bởi nhà phát hành để nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư.
5 cách phân loại trái phiếu phổ biến nhất hiện nay
Để phân loại trái phiếu hiện nay có 5 cách phân loại căn cứ theo người phát hành, hình thức trái phiếu, lợi tức trái phiếu, tính chất trái phiếu và mức độ đảm bảo thanh toán trái phiếu.
Phân loại theo người phát hành
-
Trái phiếu của doanh nghiệp: là loại trái phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn với mục đích tăng vốn hoạt động. Trong trái phiếu của doanh nghiệp cũng bao gồm các loại trái phiếu khác nhau.
-
Trái phiếu của Chính phủ: là loại trái phiếu được phát hành nhằm đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của Chính phủ. Chính phủ phát hành trái phiếu để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong công chúng và các tổ chức kinh tế - xã hội khác. Được xem là nhà phát hành trái phiếu uy tín nhất thị trường, do đó trái phiếu của Chính phủ được đánh giá là loại chứng khoán ít rủi ro nhất.
-
Trái phiếu của các tổ chức tài chính, ngân hàng: Để tăng thêm nguồn vốn hoạt động nên các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng được phát hành trái phiếu.
Phân loại theo lợi tức trái phiếu
-
Trái phiếu có lãi suất biến đổi (hay còn gọi là lãi suất thả nổi): là loại trái phiếu mà nhà đầu tư sẽ được nhận lợi tức với mức khác nhau ở mỗi kỳ. Và lợi tức mỗi kỳ được tính dựa vào một lãi suất có sự biến đổi theo lãi suất tham chiếu của trái phiếu.
-
Trái phiếu có lãi suất bằng không: là loại trái phiếu mà người nắm giữ không được nhận lãi. Nhưng đồng thời lại được mua trái phiếu với mức giá thấp hơn so với mệnh giá (hình thức mua chiết khấu) và còn được hoàn trả lại bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn theo như quy định.
-
Trái phiếu có lãi suất cố định: là loại trái phiếu mà lợi tức trả cho nhà đầu tư được tính dựa vào tỷ lệ phần trăm cố định theo mệnh giá trái phiếu.
Phân loại theo mức độ đảm bảo thanh toán của người phát hành
-
Trái phiếu bảo đảm: là loại trái phiếu mà việc phát hành trái phiếu đó được nhà phát hành sử dụng một tài sản có giá trị để làm vật bảo đảm. Người nắm giữ trái phiếu sẽ có quyền thu lại và bán tài sản đó đi nhằm thu hồi số tiền nhà phát hành còn nợ trong trường hợp nhà phát hành mất khả năng thanh toán. Trong trái phiếu bảo đảm còn bao gồm các loại trái phiếu sau, được căn cứ theo đặc điểm của trái phiếu để phân loại:
-
Trái phiếu có tài sản cầm cố: là loại trái phiếu đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc nhà phát hành cầm cố một bất động sản. Thông thường để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư thì giá trị tài sản cầm cố này sẽ lớn hơn tổng số mệnh giá của các trái phiếu được phát hành.
-
Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ: là loại trái phiếu đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc nhà phát hành đem ký quỹ sổ chứng khoán chuyển nhượng của mình ra để làm tài sản đảm bảo.
-
Trái phiếu không bảo đảm: là loại trái phiếu được phát hành mà không có tài sản làm vật đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư mà chỉ được đảm bảo bởi uy tín của nhà phát hành trái phiếu.
Phân loại dựa vào hình thức trái phiếu
-
Trái phiếu ghi danh: là loại trái phiếu có ghi tên người mua trên trái phiếu cũng như sổ sách của nhà phát hành dựa theo đặc điểm của trái phiếu.
-
Trái phiếu vô danh: là loại trái phiếu không ghi tên người mua trên trái phiếu cũng như sổ sách của nhà phát hành. Người nắm giữ trái phiếu là người được hưởng những quyền lợi từ trái phiếu vô danh.
Phân loại dựa vào tính chất trái phiếu
-
Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Là loại trái phiếu mà có phiếu đi kèm cho phép người nắm giữ có thể mua cổ phiếu của công ty với số lượng nhất định.
-
Trái phiếu có thể mua lại: là loại trái phiếu mà nhà phát hành có quyền được mua lại một phần hoặc toàn bộ trước khi đến hạn thanh toán trái phiếu.
-
Trái phiếu có thể chuyển đổi: là loại trái phiếu được phát hành bởi công ty cổ phần mà người nắm giữ có thể chuyển đổi sang cổ phiếu của công ty đó. Việc chuyển đổi này được quy định cụ thể về thời gian cũng như tỷ lệ khi mua trái phiếu.
Cách định giá trái phiếu
Định giá trái phiếu là một hoạt động được thực hiện bởi nhà định giá nhằm mục đích tìm ra giá trị lý thuyết của trái phiếu một cách chính xác nhất. Các xác định giá trị của trái phiếu đó là xác định hiện giá của toàn bộ số thu nhập nhà đầu tư nhận được trong thời hạn trái phiếu còn hiệu lực. Dưới đây là quy trình từ định giá trái phiếu đến quyết định giao dịch trái phiếu:
-
Bước 1: Ước lượng dòng tiền được sinh ra từ tài sản (mức thu nhập kỳ vọng).
-
Bước 2: Ước lượng tỷ suất lợi nhuận mà nhà đầu tư yêu cầu (bằng tổng lãi suất phi rủi ro và phần gia tăng do rủi ro).
-
Bước 3: Lựa chọn mô hình định giá thích hợp nhất để áp dụng. Tính giá trị hiện tại của dòng tiền tệ thu nhập dựa theo tỷ suất lợi nhuận vừa ước lượng ở bước 2.
-
Bước 4: So sánh giữa giá trị lý thuyết vừa định ra và giá thị trường.
-
Bước 5: Đưa ra quyết định đầu tư (mua hoặc bán).
Điều kiện và chi phí phát hành trái phiếu
Điều kiện phát hành trái phiếu được phân thành điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền và điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền.
- Điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền
-
Có thời gian hoạt động ít nhất 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép có giá trị tương được được pháp luật quy định.
-
Thời gian hoạt động đối với doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc chuyển đổi được tính là thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị tách, bị chia, có thời gian hoạt động lâu nhất trong các doanh nghiệp bị hợp nhất lại, hay bị sáp nhập, hoặc sau khi chuyển đổi.
-
Phải có báo cáo tài chính của năm trước liền kế với năm phát hành và được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán.
-
Đảm bảo tuân thủ đúng giới hạn về số lượng các nhà đầu tư khi phát hành và tổ chức giao dịch trái phiếu.
-
Xây dựng phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như chấp thuận theo quy định của pháp luật.
-
Thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi suất trái phiếu đã được phát hành trong 3 năm liên tiếp trước khi có đợt phát hành trái phiếu tiếp theo (nếu có).
-
Tuân theo quy định của pháp luật về các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
- Điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền
-
Doanh nghiệp phát hành phải là công ty cổ phần.
-
Các điều kiện như trên đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền.
-
Đáp ứng theo quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp thực hiện quyền mua của chứng quyền hoặc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
-
Thời gian tối thiểu giữa các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi là 6 tháng.
-
Trong tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành thì trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu sẽ không được chuyển nhượng lại, ngoại trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
- Ngoài điều kiện phát hành trái phiếu thì chi phí phát hành cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp nên lưu ý. Chi phí phát hành trái phiếu bao gồm: chi phí phát sinh một lần, chi phí thường niên và chi phí khác. Nội dung cụ thể về chi phí phát hành trái phiếu được quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 53/2009/NĐ-CP.
- Chi phí phát sinh một lần: Là các khoản chi phí mà doanh nghiệp chỉ phải chi trả một lần khi phát hành trái phiếu, bao gồm: phí tư vấn phát hành trái phiếu, phí trả cho các đại lý niêm yết, các sàn chứng khoán và phí tư vấn bảo lãnh phát hành. Ngoài ra còn một số chi phí phát sinh một lần nữa như: chi phí phát hành, chào bán, quảng bá, phí xác nhận hệ số tín nhiệm,...Mức chi phí cần chi trả của mỗi công ty là khác nhau tùy vào quy mô, mức độ và lĩnh vực của công ty. Tuy nhiên đối với mỗi công ty thì đây là khoản chi phí không nhỏ cần được dự trù và chuẩn bị ngay từ đầu.
- Chi phí thường niên: Chủ yếu các khoản phí thường niên khi phát hành trái phiếu là chi phí trả cho các đại lý tài chính, đại lý chuyển nhượng hay các sở giao dịch chứng khoán theo như thỏa thuận đã ký kết ban đầu. Hầu hết các khoản phí này giống nhau qua các năm nên các công ty hoàn toàn có thể dự trù được con số ở thời điểm đầu.
- Chi phí khác: Bao gồm các khoản chi về việc trả nợ trái phiếu hay phát hành trái phiếu. Các khoản phí này không có kỳ hạn nhất định và được chi tùy từng thời điểm. Nhà phát hành trái phiếu cần thực hiện thanh toán các khoản phí này theo cam kết với người sở hữu.
Lợi ích và rủi ro khi đầu tư trái phiếu
Để giúp các nhà đầu tư mới có thêm căn cứ để quyết định có nên đầu tư trái phiếu không, dưới đây chúng tôi sẽ tổng hợp những lợi ích chính của việc đầu tư trái phiếu kèm theo đó là những rủi ro của trái phiếu có thể xảy ra. Hy vọng nhà đầu tư sẽ nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ để có cho mình quyết định đúng đắn nhất.
Lợi ích nhà đầu tư có thể nhận được khi sở hữu trái phiếu
-
Một số loại trái phiếu được miễn phí thuế thu nhập cá nhân.
-
Lãi suất trái phiếu không phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hay kém, mà luôn được nhận một khoản thu nhập cố định theo kỳ.
-
Nguy cơ mất tiền khi đầu tư trái phiếu là rất thấp.
-
Trái phiếu được ưu tiên thanh khoản hơn so với cổ phiếu trong doanh nghiệp.
Theo đó có thể thấy trái phiếu là kênh đầu tư đem đến khá nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.
Rủi ro khi đầu tư trái phiếu
Tuy nhiên có một số rủi ro trong đầu tư trái phiếu mà đòi hỏi nhà đầu tư phải có óc kinh doanh, biết quan sát cũng như tính toán trước mỗi quyết định mua trái phiếu của mình.
-
Rủi ro về lãi suất trái phiếu: Nhà đầu tư lâu năm trên thị trường có thể sẽ biết mối quan hệ trái ngược giữa mệnh giá và lãi suất trái phiếu. Điều đó có nghĩa là khi lãi suất trái phiếu tăng lên thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng loại bỏ những trái phiếu thấp. Ảnh hưởng của việc này là cung tăng lên, cầu giảm đi và mệnh giá trái phiếu cũng giảm theo.
-
Rủi ro về tái đầu tư: Trong trường hợp lãi suất trái phiếu giảm, nhà phát hành sẽ có cơ hội để tiến hành thu hồi hay mua lại những trái phiếu họ đã phát hành ra thị trường. Do đó, nhà đầu tư có thể thu về khoản tiền gốc của mình trước khi đáo hạn trái phiếu, nhưng giá trị đó không cao hơn nhiều so với mệnh giá trái phiếu.
-
Rủi ro về lạm phát: Một điều chắc chắn là nhà đầu tư khi mua trái phiếu sẽ thu về mức lãi suất trong thời hạn. Nhưng vì khoản lãi suất này là cố định nên khi lạm phát xảy ra, nhà đầu tư sẽ phải bỏ số tiền lớn hơn để mua trái phiếu. Đây là nguyên nhân khiến cầu cầu trái phiếu giảm xuống và lãi suất trái phiếu thu về có thể bị âm.
-
Rủi ro tín dụng, vỡ nợ: Trái phiếu doanh nghiệp không được chính phủ bảo đảm mà phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của doanh nghiệp đó. Vì vậy trong trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ, tín dụng xấu thì nhà đầu tư không nên tham gia vào. Việc tìm hiểu và xem xét thật kỹ về nhà phát hành trước khi đầu tư là rất quan trọng.
Có nên đầu tư trái phiếu không?
Chắc hẳn qua những thông tin về lợi ích trái phiếu cũng như rủi ro trái phiếu trên đây thì nhà đầu tư cũng đã có những căn cứ để quyết định việc tham gia đầu tư trái phiếu hay không của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn cung cấp thêm cho nhà đầu tư một số những lời khuyên và lưu ý để chắc chắn hơn cho quyết định của bạn, cụ thể đó là:
-
Nên lựa chọn đầu tư trái phiếu của những doanh nghiệp hình thành lâu đời và có thông tin minh bạch.
-
Nhà phát hành trái phiếu uy tín nên lựa chọn phải là đơn vị có năng lực tài chính vững chắc, dòng tiền ổn định và tỷ lệ nợ nằm trong mức an toàn.
-
Ưu tiên nhà phát hành trái phiếu có ban lãnh đạo có uy tin cũng như kinh nghiệm lâu năm.
-
Lựa chọn đơn vị có lịch sử hoạt động kinh doanh ổn định và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Hy vọng những nội dung chia sẻ kiến thức về trái phiếu hôm nay đã đem lại những giá trị hữu ích cho bạn đọc. Dù là nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp thì việc nắm được những kiến thức về trái phiếu là gì, các loại trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu đặc biệt là điều kiện phát hành trái phiếu sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động giao dịch trên thị trường trái phiếu. Chắc hẳn qua bài viết này, những nhà đầu tư đang quan tâm đến đầu tư trái phiếu đã có câu trả lời cho câu hỏi có nên đầu tư trái phiếu không. Chúc các bạn sẽ có quyết định sáng suốt và thành công trên thị trường đầu tư.
Theo takeprofit.vn