Phân biệt các loại lợi nhuận trong báo cáo tài chính
Chắc hẳn khi đọc báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, bạn đã từng bị nhầm lẫn, khó hiểu vì có rất nhiều thuật ngữ liên quan tới lãi (lợi nhuận) được trình bày ở phần Báo Cáo Kết Quả Hoạt Động Kinh Doanh. Trong bài viết dưới đây, bạn sẽ hiểu được cách phân biệt, ý nghĩa của từng loại lợi nhuận trong báo cáo tài chính và qua đó hiểu rõ hơn về doanh nghiệp mà bạn đang tầm soát.
Kỳ Vọng Ảo Và Lợi Nhuận Bất ThườngBản đồ chỉ đường cho nhà đầu tư tìm lợi nhuận của một doanh nghiệp
Bài 4: Lợi nhuận bất thường, lợi nhuận rẻ tiền: Cái bẫy nhiều NĐT
1. Lợi nhuận: Được định nghĩa là thước do khả năng “kiếm tiền” của một công ty, đó là số tiền mà một doanh nghiệp thu được hoặc mất đi (lợi nhuận âm/lỗ) được tính dựa trên phần chênh lệch giữa số tiền mà công ty thu được (doanh thu) và số tiền mà công ty phải bỏ ra (chi phí). Lấy một ví dụ đơn giản về lợi nhuận. Nếu hôm nay bạn sản xuất ra một món hàng mất 5 đồng và ngày mai bạn bán ra món hàng đó với giá 10 đồng, số tiền bạn thu được sau khi trừ đi chi phí là 5 đồng (đây là lợi nhuận).
2. Lợi nhuận gộp về Bán Hàng & Cung Cấp Dịch Vụ: Đây đơn giản là số tiền mà doanh nghiệp thu được sau khi lấy Doanh thu thuần (Đã trừ đi các khoản giảm trừ) trừ đi Giá vốn hàng bán (chi phí trực tiếp phát sinh từ việc sản xuất hàng hóa bán ra của doanh nghiệp).
3. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: Chỉ số này cho chúng ta biết số tiền doanh nghiệp kiếm được từ các hoạt động kinh doanh (bao gồm hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp: Bán Hàng & Cung cấp dịch vụ và lãi từ hoạt động tài chính: lãi cho vay, lãi tiền gửi, lãi đầu tư trái phiếu, … cộng (trừ) phần lãi (lỗ) trong công ty liên doanh, liên kết, trừ đi các chi phí gián tiếp: chi phí quản lý, …).
4. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế: Là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (trừ) cho lãi (lỗ) khác.
5. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (Lợi nhuận ròng): Mục này được hiểu là Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trừ đi phần thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải chịu, sau đó trừ thêm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được hoãn lại. Con số này cho ta thấy được một phần nội tại của công ty, cách các công ty kiểm soát chi phí trong quá trình tạo ra sản phẩm. Đây cũng là nguồn thu chính của các cổ đông, là chỉ số báo hiệu cho việc công ty hoạt động hiệu quả. Vì vậy việc nhìn vào đột biến LNST khi tầm soát cổ phiếu là cực kỳ quan trọng.
6. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ & lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát: Đây là phần LNST được chia cho công ty mẹ, cổ đông công ty mẹ, cổ đông không kiểm soát (cổ đông góp vốn vào công ty con mà không phải công ty mẹ, không có quyền kiểm soát công ty con).
Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể hiểu và phân biệt cơ bản các loại lợi nhuận thường được ghi trên BCTC
Theo Học viện cổ phiếu Truongmoney