Cổ phiếu Bluechip là gì? Đặc điểm cổ phiếu Bluechip
Trong các loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu Bluechip là nhóm cổ phiếu được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn hàng đầu để đầu tư vào. Nguyên nhân bởi nhóm cổ phiếu Bluechip được nhận định là sản phẩm đầu tư có mức độ an toàn cao cũng như đem lại nguồn lợi nhuận ổn định. Những nhà đầu tư mới đang tìm hiểu về thị trường chắc hẳn vẫn chưa nắm rõ được khái niệm cổ phiếu Bluechip là gì cũng như các loại cổ phiếu Bluechip như thế nào? Vậy trong bài viết hôm nay hãy cùng Hocchungkhoan.vn tìm hiểu thế nào là cổ phiếu Bluechip, danh sách cổ phiếu Bluechip Việt Nam 2021, lưu ý khi đầu tư cổ phiếu Bluechip và các kiến thức cần thiết xoay quanh loại cổ phiếu này nhé!
Cổ phiếu Bluechip là gì?
Để hiểu cổ phiếu Bluechip là loại cổ phiếu gì thì trước tiên chúng ta đến với khái niệm cổ phiếu Bluechip là gì. Cổ phiếu Bluechip là cổ phiếu được các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn phát hành. Việc đó cũng nhằm thể hiện rằng đây là một doanh nghiệp có uy tín cũng như có lịch sử hoạt động lâu đời trong lĩnh vực của mình.
Cổ phiếu Bluechip dù trong hoàn cảnh thị trường suy thoái, thì vẫn đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư và có tốc độ tăng trưởng ổn định hơn so với các loại cổ phiếu khác trên thị trường.
Điều kiện để trở thành Bluechip
Các điều kiện để cổ phiếu của một doanh nghiệp được gọi là Bluechip đó là:
-
Doanh nghiệp phát hành có lịch sử hoạt động lâu đời, và hoạt động tài chính tốt. Thông thường các công ty này phải là những công ty dẫn đầu trong một lĩnh vực nào đó chứ không phải sự phát triển một cách chớp nhoáng trên thị trường.
-
Vốn hóa của doanh nghiệp phát hành phải lớn: Quy mô và giá trị của doanh nghiệp phát hành phải trên mức tối thiểu là 10 tỷ USD.
-
Cổ phiếu có lịch sử tăng trưởng một cách bền vững, từ thời điểm được phát hành cho đến tiềm năng phát triển trong tương lai.
-
Các chỉ số thị trường khi được dùng để đánh giá về các cổ phiếu Bluechip cho ra kết quả thuộc vào các chỉ số cổ phiếu 500 của Standard and Poor, Dow Jones Industrial Average và Nasdaq 100 - đây là chỉ số để đo lường 100 doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất trên thị trường và được niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq).
Đặc điểm của cổ phiếu Bluechip
Cổ phiếu Bluechip mang trọn vẹn những đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp phát hành ra nó, cụ thể là:
-
Sức mạnh về tài chính: Mức nợ tương đối thấp đồng thời không bao giờ để nợ vượt quá mức cho phép. Sở hữu nguồn tiền mặt luôn dồi dào và có xếp hạng tín dụng ở mức độ mạnh.
-
Sở hữu mô hình kinh doanh hoạt động ổn định và tạo ra dòng tiền tích cực.
-
Có đội ngũ quản lý dày dặn kinh nghiệm với ban lãnh đạo điều hành lâu năm cùng hồ sơ năng lực ấn tượng.
-
Tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ổn định và tầm nhìn phát triển trong tương lai đầy hứa hẹn.
-
Có lịch sử giá cổ phiếu đã tăng trong suốt thời gian dài.
-
Mức vốn hóa thị trường luôn lớn nhất và thuộc top đầu trong danh sách các công ty cùng ngành.
Lịch sử hình thành cổ phiếu Bluechip
Từ “chip” trong Bluechip được bắt nguồn từ tên gọi của các loại thẻ quy đổi tiền trong trò chơi Poker xuất hiện trong các sòng bài lớn. Tùy thuộc vào màu sắc của thẻ sẽ quy định giá trị mỗi thẻ khác nhau. Thẻ màu xanh blue được quy định là loại thẻ có giá trị cao nhất. Từ đó khái niệm cổ phiếu Bluechip ra đời để chỉ những loại cổ phiếu có giá trị cao nhất được phát hành bởi các công ty lớn.
Có nên đầu tư vào cổ phiếu Bluechip?
Việc có nên đầu tư vào cổ phiếu Bluechip hay không sẽ tùy thuộc vào nhu cầu cũng như sở thích của mỗi nhà đầu tư.
Ưu điểm của cổ phiếu Bluechip
Do cổ phiếu Bluechip thuộc các doanh nghiệp đầu ngành với kích thước lớn, nên nhờ việc vận dụng tốt những lợi thế mà kích thước lớn mang lại đã giúp nhóm cổ phiếu Bluechip luôn có xu hướng vượt trội hơn so với nhóm cổ phiếu khác. Trong đó có 3 ưu điểm nổi bật nhất có thể kể đến là:
-
Hiệu quả hoạt động cao
Nhờ tận dụng được lợi nhuận từ sự hợp tác đến từ các cổ đông lớn mà các doanh nghiệp duy trì được hoạt động kinh doanh rất hiệu quả. Các công ty nhỏ hơn thông thường ít khi thấy ưu điểm này.
-
Lợi thế về tài chính
Các doanh nghiệp có quy mô lớn luôn được các nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào bởi sự ổn định dù điều đó là do các khoản nợ rẻ hơn hay do dễ dàng huy động được vốn chủ sở hữu hơn.
-
Lợi thế về chiến lược
Trong thời điểm sự cạnh tranh xuất hiện hay đặc biệt là khi thị trường suy thoái, lợi thế về chiến lược sẽ được thể hiện rõ ràng nhất. Các doanh nghiệp lớn khi đó sẽ có cơ hội tận dụng được sức mạnh của mình trên thị trường để thu hút khách hàng tiềm năng của đối thủ về mình trong khi đó các công ty nhỏ phải vật lộn để có thể tồn tại.
Nhược điểm của cổ phiếu Bluechip
-
Được biết đến với sự an toàn và tốc độ tăng trưởng ở mức ổn định, không phải tăng trưởng thần tốc, nên cổ phiếu Bluechip có nhược điểm là không đem lại nguồn lợi nhuận cao so với khi đầu tư vào các cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn.
-
Bên cạnh đó, giá của nhóm cổ phiếu Bluechip luôn cao hơn nhiều so với các cổ phiếu khác, bởi nhu cầu cao từ thị trường do đó nhà đầu tư cần chuẩn bị một số vốn lớn nếu muốn sở hữu cổ phiếu Bluechip.
Mức độ an toàn của cổ phiếu Bluechip
Với những phân tích về ưu điểm và nhược điểm của cổ phiếu Bluechip kể trên thì có thể thấy những nhà đầu tư dài hạn sẽ phù hợp với loại cổ phiếu này. Hay những nhà đầu tư thích sự an toàn chưa sẵn sàng để đầu tư vào những cổ phiếu mạo hiểm hơn.
Đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thì cổ phiếu Bluechip là một lựa chọn tuyệt vời bởi các doanh nghiệp hầu như đã quen thuộc với mọi người, do đó sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích. Bên cạnh đó các công ty đầu ngành này còn đem lại cho các nhà đầu tư những mô hình kinh doanh tốt nhất trên thị trường toàn cầu.
Nếu như kiến thức đầu tư còn hạn chế thì các nhà đầu tư mới có thể đầu tư cổ phiếu Bluechip bằng cách mua các quỹ chỉ số, điều này sẽ giúp việc đầu tư đơn giản hơn cũng như dễ dàng nắm bắt được sự tăng trưởng của thị trường mà không cần dành nhiều thời gian hay kỹ năng để theo chiến lược chọn cổ phiếu.
Bất kể là cổ phiếu phái sinh hay cổ phiếu trong nước thì mức độ biến động của các cổ phiếu Bluechip luôn được duy trì trong mức an toàn.
Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu Bluechip
Khi đầu tư cổ phiếu Bluechip, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho mình đầu tiên là chiến lược đầu tư, sau đó là nắm được cách chọn cổ phiếu Bluechip tiềm năng. Sau đây là những nội dung cụ thể để nhà đầu tư vững vàng hơn trước khi tham gia đầu tư thực chiến.
Chiến lược đầu tư
Có hai vấn đề mà nhà đầu tư cần chú ý khi thực hiện xây dựng chiến lược đầu tư cho mình, đó là:
-
Chia nhỏ số tiền đầu tư của mình: Nhà đầu tư không nên dồn toàn bộ số tiền của mình vào các cổ phiếu Bluechip bởi cổ phiếu này đem lại lợi nhuận khá thấp nên sẽ không thỏa mãn được mong muốn thu về lợi nhuận cao và nhanh chóng. Bạn có thể dành một phần tiền còn lại để đầu tư cho trái phiếu, chứng chỉ quỹ,...từ đó đa dạng nguồn thu nhập của mình và tăng khả năng sinh lời hơn.
-
Đa dạng hóa danh mục đầu tư cổ phiếu Bluechip từ 3-5 mã: Bạn không nên chỉ lựa chọn 1 mã trong số rất nhiều mã cổ phiếu Bluechip trên thị trường. Việc mua nhiều hơn 1 mã cổ phiếu Bluechip giúp tăng hiệu quả đầu tư hơn. Bạn cần đánh giá tiềm năng về sự phát triển của các cổ phiếu Bluechip từ đó quyết định nắm giữ hay chuyển nhượng chúng. Đôi khi cổ phiếu này tăng giá thì mức chênh lệch sẽ thuộc về bạn khi bán cổ phiếu đó ra thị trường. Trong khi đó bạn vẫn còn các cổ phiếu khác trong danh mục của mình đồng thời nhận cổ tức đều đặn. Đây là một cách đầu tư thật sự thông minh và hiệu quả.
Cách chọn cổ phiếu Bluechip
Nhà đầu tư cần cân nhắc thật kỹ để lựa chọn cổ phiếu Bluechip uy tín và ít biến động. Bạn có thể dựa theo danh sách những công ty lớn trên thị trường để lựa chọn các cổ phiếu Bluechip uy tín. Đặc biệt, bạn cần quan tâm đến yếu tố về sự ít biến động giá cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành ra. Bởi vì chỉ những doanh nghiệp, tổ chức có lịch sử hoạt động lâu đời và sự phát triển bền vững thì cổ phiếu họ phát hành mới được đảm bảo về sự ổn định trong dài hạn.
Các nhà đầu tư có thể dễ dàng bắt gặp những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ được các chủ đầu tư rót lượng vốn lớn vào đó. Tuy nhiên tốc độ phát triển của thị trường công nghệ cực kỳ nhanh và mức độ cạnh tranh rất cao, khi thị trường thay đổi thì nó thường sẽ biến động mạnh và ít khi có sự ổn định. Cổ phiếu của những tổ chức này không được coi là cổ phiếu Bluechip. Do đó nhà đầu tư không nên nhìn vào sự phát triển chớp nhoáng đó mà vội hy vọng một tương lai tốt đẹp và dài hạn phía trước.
Để so sánh giá của công ty Bluechip qua các năm thì nhà đầu tư có thể dựa vào số liệu giao dịch cụ thể trên các sàn giao dịch chứng khoán. Hoặc cách thứ hai là sử dụng phần mềm định giá cổ phiếu để tự xác định được giá ở quá khứ và tương lai của cổ phiếu đó.
Các cổ phiếu Bluechip ở Việt Nam
Dưới đây là danh sách các mã cổ phiếu Bluechip Việt Nam được nhận định là nổi bật nhất năm 2021:
-
Mã cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) chuyên sản xuất và kinh doanh sữa cũng như các sản phẩm khác từ sữa. Hiện Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực chế biến sữa và chiếm hơn 50% thị phần các loại sữa trên toàn quốc.
-
Mã cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - ngân hàng lớn nhất trên thị trường chứng khoán xét theo vốn hóa thị trường.
-
Mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup - tập đoàn đa ngành nghề mang trọng trách giữ ngọn cờ tiên phong cho nền kinh tế Việt Nam.
-
Mã cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT - một trong những công ty về dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam.
-
Mã cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động - công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, thiết bị số và các sản phẩm điện tử tiêu dùng khác.
-
Mã cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet - công ty chiếm 44% thị phần ngành hàng không trong năm 2019.
-
Mã cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát - một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề nhưng chủ yếu là kinh doanh thép với 83% doanh thu và 89% lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn.
-
Mã cổ phiếu DHG của Công ty CP Dược Hậu Giang - công ty dẫn đầu ngành dược Việt Nam suốt 18 năm liền và thuộc top 5 doanh nghiệp dược có thị phần lớn nhất trong ngành (theo IMS năm 2014).
-
Mã cổ phiếu SAB của Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn SABECO cũng là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Saigon và Bia 333.
-
Mã cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội.
-
Mã cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
-
Mã cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam PVN.
Các cổ phiếu Bluechip trên thế giới
Một vài mã cổ phiếu Bluechip nổi bật trên thế giới mà các nhà đầu tư có thể tham khảo như:
-
Mã cổ phiếu BRK.A và BRK.B của công ty Berkshire Hathaway - một công ty đa quốc gia hiện đang nắm giữ cổ phần của rất nhiều công ty khác như: Apple, United Airlines, Coca-cola,...
-
Mã cổ phiếu ABBV của công ty AbbVie - một công ty dược phẩm tại Mỹ chuyên sản xuất dược phẩm từ công nghệ sinh học và các thiết bị chẩn đoán hiện đại.
-
Mã cổ phiếu BABA của tập đoàn Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới tại Trung Quốc.
-
Mã cổ phiếu JNJ của công ty Johnson & Johnson - chuyên cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế và đóng gói các loại hàng hóa tiêu dùng tại Hoa Kỳ.
-
Mã cổ phiếu FB của Facebook - công ty quyền lực sở hữu hơn 2,5 tỷ người dùng trên toàn cầu.
-
Mã cổ phiếu DIS của công ty Walt Disney.
-
Mã cổ phiếu MCD của tập đoàn McDonald.
-
Mã cổ phiếu DUK của tập đoàn Duke Energy.
-
Mã cổ phiếu DG của tập đoàn Dollar General Corp.
-
Mã cổ phiếu NVS của công ty dược Novartis.
Như vậy qua bài viết chúng ta đã cùng tìm hiểu khái niệm cổ phiếu Bluechip là gì, nhóm cổ phiếu Bluechip là gì cũng như các kiến thức xoay quanh cổ phiếu Bluechip. Được đánh giá là loại cổ phiếu có tính an toàn cao, các nhà đầu tư không nên bỏ qua loại cổ phiếu này trong danh mục đầu tư của mình. Hy vọng những kiến thức về cổ phiếu Bluechip trên đây sẽ hữu ích trong hành trình đầu tư và những quyết định giao dịch của bạn. Chúc các bạn thành công!
Theo takeprofit.vn