Cổ đông là gì? Tìm hiểu 3 loại cổ đông theo quy định mới nhất 2021
Khi tìm hiểu về chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ có rất nhiều kiến thức liên quan mà người mới tham gia cần nắm rõ. Ở bài viết này hãy cùng Hocchungkhoan.vn tìm hiểu về khái niệm cổ đông là gì, các loại cổ đông trong công ty cổ phần và quyền lợi của cổ đông để nâng cao kiến thức về thị trường chứng khoán và tự tin hơn khi giao dịch trên thị trường.
Cổ đông là gì? Khái niệm cổ đông lớn, cổ đông nhỏ
Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm cổ đông, vậy cổ đông là gì?
Theo Khoản 3 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, định nghĩa khái niệm cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức có sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần. Cổ đông được hiểu là người góp vốn vào công ty cổ phần, phần vốn góp của cổ đông tương ứng với số lượng cổ phần họ đã mua trong công ty.
Một công ty cổ phần có tối thiểu 3 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong giới hạn số vốn mà cổ đông đã góp.
Căn cứ vào tỷ lệ cổ phần mà cổ đông nắm giữ, cổ đông được chia thành 2 loại là cổ đông lớn và cổ đông thiểu số. Điều lệ công ty cổ phần sẽ quy định dựa trên cơ sở tuân thủ luật pháp về tỷ lệ để có thể coi là cổ đông lớn.
Các loại cổ đông hiện nay
Các loại cổ đông trong công ty cổ phần bao gồm 3 loại cổ đông chính tương ứng với từng loại cổ phần hiện nay, bao gồm: cổ đông phổ thông, cổ đông sáng lập và cổ đông ưu đãi.
Cổ đông phổ thông là gì?
Cổ đông phổ thông trong công ty là người mà nắm giữ cổ phần phổ thông của công ty cổ phần.
Cổ đông sáng lập là gì?
Cổ đông sáng lập là loại cổ đông nắm giữ ít nhất một cổ phần phổ thông đồng thời ký tên mình trong danh sách cổ đông sáng lập của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập là thuật ngữ dùng để chỉ người góp vốn để thành lập lên công ty cổ phần trong giai đoạn đầu, cũng chính là người nắm giữ những cổ phần phổ thông đầu tiên trong công ty.
Một công ty cổ phần mới phải có ít nhất 3 cổ đông sáng lập. Các cổ đông sáng lập phải cùng mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm doanh nghiệp được đăng ký.
Cổ đông ưu đãi là gì?
Cổ đông ưu đãi được chia thành 3 loại chính tương ứng với từng loại cổ phần ưu đãi, bao gồm:
-
Cổ đông ưu đãi biểu quyết: là cổ đông mà nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết của công ty cổ phần với số lượng phiếu biểu quyết lớn hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết được quy định bởi Điều lệ công ty. Chỉ các cổ đông sáng lập và các tổ chức được Chính phủ ủy quyền mới được quyền sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực là 3 năm tính từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau 3 năm, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
-
Cổ đông ưu đãi cổ tức: là cổ đông mà nắm giữ cổ phần được trả cổ tức với mức chi trả cổ tức cao hơn so với mức cổ tức trả cho cổ phần phổ thông của công ty cổ phần hoặc so với mức ổn định hàng năm.
-
Cổ đông ưu đãi hoàn lại: là cổ đông mà nắm giữ cổ phần được công ty thực hiện hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo điều kiện trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Ngoài ra còn một số cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi khác quy định theo Điều lệ công ty.
Quyền lợi của cổ đông
Các loại cổ đông khác nhau sẽ được nhà nước quy định những quyền lợi khác nhau. Vậy để tìm hiểu xem cổ đông có quyền gì, chúng ta tìm hiểu quyền của cổ đông ưu đãi, cổ đông phổ thông và cổ đông sáng lập có những gì khác nhau ngay sau đây:
-
Quyền của cổ đông phổ thông: Cổ đông phổ thông có các quyền lợi sau:
-
Được tham dự và phát biểu trong các cuộc họp cổ đông và được biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua trung gian là người đại diện được ủy quyền hoặc theo hình thức khác được quy định bởi pháp luật hay điều lệ công ty. Mỗi cổ phần phổ thông sẽ tương đương với một phiếu biểu quyết trong đại hội cổ đông.
-
Được nhận cổ tức theo mức mà đại hội đồng cổ đông quyết định.
-
Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán ứng theo tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty.
-
Được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác, một số cổ đông như cổ đông sáng lập có thể bị giới hạn quyền này bởi một số điều kiện.
-
Được quyền tra cứu thông tin, xem xét và có thể trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông được quyền biểu quyết và cũng có quyền đưa ra đề xuất để chỉnh sửa các thông tin chưa chính xác trong Danh sách đó.
-
Được quyền xem xét, tra cứu và trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và biên bản cuộc họp cổ đông.
-
Được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của công ty trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể.
-
Quyền của cổ đông sáng lập: Cổ đông sáng lập có các quyền lợi như cổ đông phổ thông trừ quyền lợi chuyển nhượng cổ phần phổ thông.
-
Các cổ đông sáng lập phải cùng mua ít nhất 20% tổng cổ phần phổ thông được chào bán tại thời điểm doanh nghiệp được đăng ký.
-
Trong 3 năm từ ngày công ty được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được quyền chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác trong công ty, và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải cổ đông sáng lập dưới sự chấp thuận của Đại hội cổ đông.
-
Sau 3 năm từ ngày công ty được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì những hạn chế kể trên đối với cổ phần phổ thông mà cổ đông sáng lập nắm giữ sẽ được hoàn toàn bãi bỏ.
-
Quyền của cổ đông ưu đãi: Cổ đông ưu đãi có các quyền lợi sau:
-
Cổ đông ưu đãi biểu quyết: Cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong công ty sẽ có quyền được biểu quyết về các vấn đề trong thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và các quyền khác như cổ đông phổ thông; ngoại trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
-
Cổ đông ưu đãi cổ tức: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền nhận cổ tức theo quy định và nhận phần tài sản còn lại ứng theo tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản cổ phần ưu đãi hoàn lại, khoản nợ khi công ty phá sản hoặc giải thể. Cổ đông ưu đãi cổ tức cũng có các quyền lợi như cổ đông phổ thông. Tuy nhiên cổ đông ưu đãi cổ tức không được biểu quyết cũng như tham dự Đại hội đồng cổ đông.
-
Cổ đông ưu đãi hoàn lại: Cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi hoàn lại trong công ty cũng được hưởng các quyền lợi như một cổ đông phổ thông, ngoại trừ trường hợp cổ đông ưu đãi hoàn lại không được biểu quyết cũng như tham dự Đại hội đồng cổ đông.
Nghĩa vụ của cổ đông
Về nghĩa vụ của cổ đông, các loại cổ đông đều có chung những nghĩa vụ cụ thể sau đây:
-
Thanh toán đầy đủ và đúng thời hạn cho số cổ phần đã cam kết mua. Cổ đông không được rút lại số vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông dưới bất cứ hình thức nào, ngoại trừ trường hợp được công ty hoặc cổ đông khác mua lại cổ phần.
-
Phải tuân thủ theo các Điều lệ ban hành cũng như những quy chế quản lý nội bộ của công ty.
-
Nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết ban hành bởi Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị công ty.
-
Các nghĩa vụ khác được quy định bởi Luật doanh nghiệp.
Cổ đông chiến lược và cổ đông hiện hữu
Ngoài các loại cổ đông đã nêu ở trên ra, cổ đông còn được chia thành cổ đông chiến lược và cổ đông hiện hữu.
Cổ đông chiến lược là gì?
Cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư bao gồm cả trong và ngoài nước, những người có năng lực cao về lĩnh vực tài chính, đồng thời có sự cam kết với doanh nghiệp trong việc gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về các lĩnh vực sau đây:
-
Cung ứng nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp
-
Nâng cao và phát triển năng lực tài chính của doanh nghiệp
-
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp
-
Quản trị doanh nghiệp
-
Chuyển giao những công nghệ mới hiện đại
-
Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất
Cổ đông hiện hữu là gì?
Hiện nay Luật doanh nghiệp vẫn chưa giải thích khái niệm cổ đông hiện hữu là gì mà chỉ đưa ra quy định về chào bán cổ phần trong doanh nghiệp cho cổ đông hiện hữu tức là các cổ đông đang có số vốn góp ngay tại thời điểm mở bán cổ phần.
Khi công ty cổ phần tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán thì việc chào bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông hiện hữu được thực hiện. Cổ đông hiện hữu mua số cổ phần dựa theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.
Trên đây là tổng hợp những kiến thức về cổ đông, các loại cổ đông cũng như quyền của cổ đông mà Take Profit muốn chia sẻ đến bạn đọc. Như vậy, cổ đông là khái niệm gắn với công ty cổ phần, cổ đông được phân chia thành các loại khác nhau tương ứng với những quyền hạn và nghĩa vụ khác nhau trong công ty. Với những chia sẻ này hy vọng các nhà đầu tư sẽ nắm được sâu sắc các khái niệm cổ đông, cổ đông có quyền gì và các loại cổ đông trong công ty cổ phần. Cảm ơn các bạn đọc đã theo dõi kênh chia sẻ kiến thức của Hocchungkhoan.vn, chúc các bạn có những chiến thắng trên thị trường chứng khoán.
Theo takeprofit.vn